top of page

Được viết bởi:

Thiền động là gì?

Osho kính yêu,
Liên quan tới điều thầy vừa nói, Thiền có câu ngạn ngữ: nỗ lực vô nỗ lực. Xin thầy nói cho chúng tôi về điều đó, và cách áp dụng nó trong Thiền động

Bài viết này được trích trong sách

Thiền là hiện tượng năng lượng. Một điều rất cơ bản cần phải hiểu rõ về mọi kiểu năng lượng. Đây là luật cơ bản: năng lượng chuyển theo hai cực. Đó là cách thức duy nhất nó chuyển vận; không có cách thức nào khác cho chuyển động của nó. Nó chuyển theo hai cực. Để cho bất kì năng lượng nào trở thành động đều cần có cực đối diện. Cũng tựa như điện chuyển giữa cực âm và cực dương. Nếu chỉ có cực âm, điện sẽ không xảy ra; hay nếu chỉ có cực dương, điện cũng không xảy ra. Cả hai cực đều cần có. Và khi hai cực gặp nhau, chúng tạo ra điện. Thế thì tia lửa phóng ra.

Và điều này cũng như vậy cho mọi kiểu hiện tượng. Cuộc sống tiếp diễn... giữa đàn ông và đàn bà, các cực. Đàn bà là năng lượng sống âm; đàn ông là cực dương. Họ là điện, do đó mới có nhiều hấp dẫn đến thế. Chỉ đàn ông thôi thì cuộc sống sẽ biến mất; chỉ đàn bà thôi thì cũng không thể có cuộc sống được, chỉ cái chết. Giữa đàn ông và đàn bà có sự cân bằng. Giữa đàn ông và đàn bà - hai cực này, hai bờ sông này - dòng sông cuộc sống tuôn chảy. Bạn nhìn bất kì đâu, cũng đều thấy cùng năng lượng chuyển giữa các cực, tự nó cân bằng.


Cực này là rất có ý nghĩa cho thiền bởi vì tâm trí mang tính logic còn cuộc sống mang tính biện chứng. Khi tôi nói tâm trí mang tính logic điều đó có nghĩa là tâm trí chuyển theo đường thẳng. Khi tôi nói cuộc sống mang tính biện chứng, điều đó có nghĩa là cuộc sống chuyển theo cái đối lập, không theo đường thẳng. Nó dích dắc từ âm sang dương, từ dương sang âm, từ âm sang dương. Nó dích dắc. Nó dùng các cái đối lập.


Tâm trí chuyển theo đường thẳng, một đường thẳng đơn giản, trực tiếp. Nó chẳng bao giờ chuyển sang cái đối lập. Nó phủ nhận cái đối lập. Nó tin vào một còn cuộc sống tin vào hai. Cho nên bất kì cái gì tâm trí tạo ra, nó bao giờ cũng chọn một. Nếu tâm trí chọn im lặng, nếu tâm trí đã chán với mọi tiếng động được tạo ra trong cuộc sống và nó quyết định phải im lặng, thế thì tâm trí đi lên Himalaya. Nó muốn được im lặng, không muốn bất kì cái gì phải làm với bất kì kiểu tiếng động nào. Ngay cả tiếng chim hót cũng quấy nhiễu nó; tiếng gió xào xạc qua cây cối cũng sẽ là nhiễu loạn. Tâm trí muốn im lặng. Nó đã chọn đường thẳng; bây giờ cái đối lập phải bị chối bỏ hoàn toàn. Nhưng người đang sống trên Himalaya, đang tìm kiếm im lặng, tránh né người khác, cái đối lập sẽ trở thành chết, người đó chắc chắn sẽ trở nên đờ đẫn. Và người đó càng chọn im lặng, người đó càng trở nên đờ đẫn hơn - bởi vì cuộc sống cần cái đối lập, thách thức của cái đối lập.


Còn có một kiểu im lặng khác tồn tại giữa hai cái đối lập. Cái im lặng thứ nhất là im lặng chết, im lặng của nghĩa địa. Người chết thì im lặng, nhưng bạn không muốn giống như người chết. Người chết thì tuyệt đối im lặng, chẳng ai có thể quấy rầy được người đó. Sự tập trung của người đó là hoàn hảo, bạn không thể làm được gì để phân tán tâm trí người đó. Tâm trí người đó là tuyệt đối cố định. Cho dù khắp thế giới có phát khùng, người đó vẫn duy trì trong sự tập trung của mình. Nhưng dù có như thế bạn vẫn không thích là người chết. Im lặng, tập trung, hay dù gọi nó là gì đi chăng nữa, bạn vẫn không thích là người chết - vì nếu bạn im lặng khi chết thì cái im lặng đó vô nghĩa.


Im lặng phải xảy ra trong khi bạn tuyệt đối sinh động, sống động, sôi động với cuộc sống và năng lượng. Thế thì im lặng mới có nghĩa. Nhưng thế thì im lặng sẽ có phẩm chất khác, hoàn toàn khác hẳn cho nó. Nó sẽ không đờ đẫn, nó sẽ sống động. Nó sẽ là cân bằng tinh tế giữa hai cực.


Thế thì một kiểu người như vậy, người đang tìm kiếm cân bằng sống, im lặng sống, sẽ thích tới cả bãi chợ và tới Himalaya. Người đó sẽ thích tới bãi chợ để tận hưởng tiếng động, rồi người đó cũng thích cả việc lên Himalaya để tận hưởng im lặng. Người đó sẽ tạo ra cân bằng giữa hai cực đối

lập này, và người đó sẽ vẫn còn trong cân bằng đó. Mà cân bằng đó không thể đạt tới được qua nỗ lực tuyến tính.


Đấy chính là điều được ngụ ý qua kĩ thuật thiền nỗ lực vô nỗ lực. Thiền dùng các từ đối nhau chan chát - nỗ lực vô nỗ lực, hay cổng vô môn, hay đường vô lộ. Thiền bao giờ cũng dùng các từ mâu thuẫn nhau, chỉ để cho bạn hướng dẫn rằng quá trình đang xảy ra là biện chứng, không phải tuyến tính. Cái đối lập không được chối bỏ mà phải được hấp thu. Cái đối lập không bị gạt sang bên - nó phải được dùng. Gạt nó sang bên, nó bao giờ cũng sẽ là gánh nặng cho bạn. Gạt nó sang bên, nó sẽ treo với bạn, không được dùng tới. Bạn sẽ bỏ lỡ nhiều. Năng lượng này có thể được hoán chuyển và sử dụng. Và thế thì, bằng cách dùng nó, bạn sẽ hoạt bát hơn, sinh động hơn. Cái đối lập phải được hấp thu, thế thì quá trình này mới trở thành biện chứng.


Vô nỗ lực nghĩa là không làm gì cả, bất hoạt - vô nghiệp akarma. Nỗ lực nghĩa là làm nhiều, hoạt động - nghiệp karma. Cả hai đều phải có đấy. Làm nhiều, nhưng đừng là người làm; thế thì bạn đạt được cả hai. Đi vào trong thế giới, nhưng đừng là một phần của nó. Sống trong thế giới nhưng đừng để thế giới sống trong bạn. Thế thì mâu thuẫn đã được hấp thu. Thế thì bạn không bác bỏ điều gì, không chối bỏ điều gì. Thế thì toàn bộ sự tồn tại đều được chấp nhận.


Và đó là điều tôi đang làm đây. Thiền Động là mâu thuẫn. Động nghĩa là cố gắng, nhiều cố gắng, hoàn toàn cố gắng, còn thiền nghĩa là im lặng, không cố gắng, không hoạt động. Bạn có thể gọi nó là thiền biện chứng. Hoạt động đến mức toàn bộ năng lượng trở thành chuyển động, không năng lượng nào còn lại tĩnh tại trong bạn. Toàn bộ năng lượng đã được huy động ra, không còn lại gì ở sau. Tất cả các phần đông cứng của năng lượng đều tan ra, chảy ra. Bạn bây giờ không còn là một thứ đông cứng, bạn đã trở thành năng động. Bạn bây giờ không giống chất liệu nữa, bạn giống năng lượng hơn. Bạn không là vật chất, bạn trở thành điện. Đem toàn bộ năng lượng ra làm việc, để hoạt động, chuyển động.


Khi mọi thứ đang chuyển động và bạn đã trở thành cơn xoáy lốc, trở nên tỉnh táo. Nhớ lấy, lưu tâm - và trong cơn xoáy lốc này bỗng nhiên bạn tìm thấy một trung tâm tuyệt đối im lặng. Đó là tâm cơn lốc. Đó là bạn - bạn trong tính thiêng liêng của mình, bạn như một thượng đế.


Tất cả xung quanh bạn là hoạt động. Thân thể bạn đã trở thành cơn lốc hoạt động - mọi thứ đang chuyển động nhanh, nhanh hơn. Tất cả mọi phần đông cứng đều đã tan ra, bạn đang chảy ra. Bạn đã trở thành núi lửa, lửa, điện. Nhưng ngay trong trung tâm, ở giữa tất cả những chuyển động này

có một điểm không chuyển động, điểm tĩnh lặng.


Điểm tĩnh lặng này không phải là được tạo ra. Nó vẫn có đó, bạn không làm gì về nó cả. Nó bao giờ cũng có đó. Nó là chính bản thể của bạn, chính nền tảng của bản thể bạn. Đây là điều người Hindus đã gọi là atman, linh hồn. Nó vẫn có đó, nhưng chừng nào thân thể bạn, chừng nào sự tồn tại vật chất của bạn còn chưa trở nên hoàn toàn hoạt động, bạn sẽ không nhận biết về nó. Với toàn bộ hoạt động, toàn bộ bất hoạt trở thành rõ ràng. Hoạt động cho bạn sự tương phản. Nó trở thành tấm bảng đen, và trên bảng đen là chấm trắng. Trên bức tường trắng bạn không thể thấy được chấm trắng; trên bảng đen chấm trắng hiện ra cho bạn.


Cho nên khi thân thể bạn đã trở nên hoạt động, năng động, thành chuyển động, bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết về một điểm vốn vẫn tĩnh lặng, tuyệt đối tĩnh lặng - tâm điểm không chuyển động của toàn bộ thế giới chuyển động. Đó là vô nỗ lực. Không nỗ lực nào được thực hiện cho nó.

Không nỗ lực nào được cần tới, nó đơn giản được lộ ra. Nỗ lực ở ngoại vi, không có nỗ lực ở trung tâm. Chuyển động tại ngoại vi, tĩnh lặng tại trung tâm. Hoạt động ở ngoại vi, tuyệt đối bất hoạt ở trung tâm. Và giữa hai điều này...


Điều này sẽ hơi khó, bởi vì bạn có thể bị đồng nhất với trung tâm, người Hindu gọi là atman, linh hồn. Nếu bạn bị đồng nhất với trung tâm đang tĩnh lặng, bạn đã chọn cái gì đó giữa hai điều này. Bạn đã chọn cái gì đó và bác bỏ cái gì đó.


Có một phát hiện của phương Đông rất tinh tế, và đó là: nếu bạn đạt được đồng nhất với điểm tĩnh lặng, bạn sẽ không bao giờ biết Thượng đế; bạn sẽ biết cái ta nhưng bạn sẽ không bao giờ biết Thượng đế. Và có nhiều tín ngưỡng, đặc biệt là Jainas, người đã trở nên quá đồng nhất với cái ta - cho nên họ nó không có Thượng đế, cái ta là Thượng đế duy nhất.


Người Hindu, người đã thực sự thấm nhuần sâu sắc, họ nói về điểm tĩnh lặng này và về hoạt động này trên ngoại vi rằng bạn là cả hai hay bạn không là gì cả. Hoặc bạn là cả hai hoặc bạn không là gì cả - cả hai nghĩa là như nhau. Đây là hai cực. Đây là hai cực biện chứng, chính đề và phản đề. Đây là hai bờ và bạn ở đâu đó giữa hai bờ này - không chuyển động cũng không vô chuyển động. Đây là điều siêu việt tối thượng. Đây chính là điều Hindu gọi là Brahman.


Nỗ lực và vô nỗ lực, chuyển động và không chuyển động, hoạt động và không hoạt động, vật chất và linh hồn - chúng đều là hai bờ. Và giữa hai bờ đó cái vô hình cuộn chảy. Hai bờ là thấy được. Giữa hai bờ này điều vô hình cuộn chạy. Cái đó là bạn. Như Upanishad nói, Tattwamasi Swetketu. Cái chảy giữa hai bờ này, cái không thể thấy được, cái thực sự là sự cân bằng tinh tế, không cái gì khác - giữa hai bờ này, cái đó là ngươi. Cái đó đã được gọi là Brahman, cái ta tối cao.


Cân bằng cần phải được đạt tới, và cân bằng có thể đạt được chỉ khi bạn dùng cả hai cực. Nếu bạn dùng một cực, bạn sẽ trở thành chết. Nhiều người đã làm điều đó; thậm chí cả xã hội đã trở nên chết. Điều này đã xảy ra cho Ấn Độ. Nếu bạn chọn một cực thì không cân bằng, không cân xứng xảy ra. Nó đã xảy ra ở Ấn Độ, ở phương Đông, rằng phần im lặng, điểm tĩnh lặng đã được chọn và phần hoạt động bị chối bỏ. Cho nên toàn bộ phương Đông trở nên mụ mị buồn tẻ. Cái sắc bén bị mất đi. Cái sắc bén của thông minh, cái sắc bén của thân thể tráng kiện, mọi thứ đều mất đi. Phương Đông ngày càng trở nên buồn chán, xấu xí, dường như cuộc sống chỉ còn là gánh nặng phải mang đi bằng cách nào đó và phải bị vứt bỏ, là một nghĩa vụ phải hoàn thành, một nghiệp phải chịu đựng - không phải là tận hưởng, không phải là vũ điệu mãnh liệt mà là chuyển động lờ phờ, buồn tẻ.


Và điều đó có hậu quả của nó. Phương Đông trở nên yếu ớt, vì với một điểm tĩnh lặng bạn không thể duy trì khoẻ mạnh mãi được, trong thời gian dài. Sức mạnh cần hoạt động, sức mạnh cần chuyển động. Nếu bạn chối từ hoạt động, sức mạnh sẽ biến mất. Phương Đông mất hoàn toàn cơ

bắp của mình; thân thể trở nên mềm nhẽo. Cho nên bất kì ai muốn cũng đều có thể chinh phục được phương Đông. Trong hàng nghìn năm, nô lệ đã là định mệnh duy nhất cho phương Đông. Bất kì ai mới chỉ có một ý tưởng làm ai đó thành nô lệ đều quay sang phương Đông. Phương Đông bao giờ cũng sẵn sàng bị chinh phục, bởi vì tâm trí phương Đông đã chọn một điểm chống lại cực đối diện. Phương Đông trở nên im lặng nhưng cũng chết và ù lì. Kiểu im lặng này không giá trị gì.


Điều đối lập đang xảy ra ở phương Tây. Nó cũng đã xảy ra ở các xã hội khác. Họ đã chọn phần hoạt động, ngoại vi, và họ nghĩ rằng không có linh hồn. Họ nghĩ hoạt động này là tất cả, và phải hoạt động và tận hưởng, phải thành đạt và tham vọng và phải chinh phục, cuộc sống phải bao gồm tất cả những điều đó. Kết quả chung cuộc là phương Tây đang ngày một trở nên điên rồ - bởi vì không có điểm tĩnh lặng bạn không thể giữ được lành mạnh. Bạn sẽ trở nên điên khùng. Chỉ có điểm tĩnh lặng bạn không thể giữ được sinh động, bạn trở thành dốt nát vô giác; chỉ với hoạt động, bạn trở nên điên khùng. Với những người điên, điều gì sẽ xảy ra cho họ? Họ đã mất mọi tiếp xúc với điểm tĩnh lặng của mình. Đó chính là cái điên khùng của họ.


Phương Tây đang biến thành nhà thương điên lớn. Ngày càng nhiều người bị tâm thần phân liệt, phải điều trị tâm thần; ngày càng nhiều người bị đưa vào nhà thương điên. Còn những người ở ngoài thì không phải vì họ lành mạnh mà chỉ vì có quá đông người không thể đưa xuể vào trong nhà thương điên; nếu không thì phải đưa toàn bộ xã hội vào nhà tù. Họ vẫn là người bình thường, làm việc bình thường. Nhưng tâm lí học phương Tây nói rằng bây giờ khó mà nói được ai là bình thường, và họ có lẽ cũng phải. Điều đó đã xảy ra ở phương Tây: không người nào bình thường. Hoạt động một mình nó tạo ra ra điên rồ; cân bằng không thể có. Nền văn minh hoạt động rút cục trở thành điên rồ; nền văn minh bất hoạt trở thành dốt nát vô giác. Điều này xảy ra cho các xã hội, điều này xảy ra cho các cá nhân.


Với tôi, cân bằng là tất cả. Đừng chọn lựa, đừng bác bỏ. Chấp nhận cả hai - và tạo ra cân bằng bên trong. Thiền Động là nỗ lực hướng tới cân bằng đó. Hoạt động... tận hưởng nó, cực lạc, tràn đầy với nó. Thế rồi im lặng... tận hưởng nó, cực lạc về nó. Chuyển giữa hai cực này sao cho thật tự do mà đừng tạo ra bất kì chọn lựa nào. Đừng nói: Tôi là thế này hay thế kia. Đừng đồng nhất với cái nào. Nói: tôi là cả hai. Đừng sợ tự bản thân mâu thuẫn. Cứ mâu thuẫn, là cả hai và di chuyển dễ dàng.


Và khi tôi nói điều này, tôi nói điều đó vô điều kiện - không chỉ cho hoạt động và bất hoạt. Dù bất kì cái gì được gọi là xấu và tốt, điều đó nữa cũng được bao hàm; dù bất kì cái gì được gọi là ác độc và thiêng liêng, điều đó nữa cũng được bao hàm.


Luôn nhớ: mọi nơi đều có đôi bờ, và nếu bạn muốn là dòng sông, dùng cả hai bờ một cách vô điều kiện. Đừng nói: vì tôi hoạt động làm sao tôi có thể bất hoạt được? Đừng nói: vì tôi bất hoạt, làm sao bây giờ tôi có thể hoạt động được? Đừng nói: tôi là thế này, vậy làm sao tôi có thể là thế kia được? Bạn là cả hai và không cần gì phải chọn. Điều duy nhất cần phải nhớ là phải được cân bằng giữa hai điều đó. Thế thì bạn sẽ siêu việt lên trên cả hai. Thế thì cả ác độc lẫn thiêng liêng đều sẽ được siêu việt lên. Khi cả hai được siêu việt lên, đó là Brahman. Brahman không có cực nào chống lại mình, bởi vì nó chính là cân bằng giữa hai cực. Không có cực nào chống lại nó.


Đi vào trong cuộc sống thật tự do thoải mái nhất có thể được, và dùng cả hai phía đối lập, cả hai bờ, nhiều nhất có thể được. Đừng tạo ra bất kì mâu thuẫn nào. Chúng không mâu thuẫn, chúng chỉ dường như là mâu thuẫn thôi. Sâu bên dưới chúng là một. Chúng giống hệt như chân bạn, phải và trái. Bạn dùng chân phải, bạn dùng chân trái. Khi bạn giơ chân phải, chân trái vẫn tựa trên đất để đỡ. Đừng trở thành thuận chân. Đừng thiên tả hay thiên hữu. Cả hai chân đều là của bạn và trong cả hai chân năng lượng của bạn tuôn chảy - không phân chia. Đã bao giờ bạn cảm thấy rằng chân phải có năng lượng này và chân trái có năng lượng khác không? Bạn đang chảy trong cả hai. Nhắm mắt lại: bên trái biến mất, bên phải biến mất. Cả hai chúng đều là bạn, và trong khi di động bạn có thể dùng chúng. Dùng cả hai! Nếu bạn trở nên thuận bên phải hơn, như nhiều người trở thành như vậy, bạn sẽ bị què quặt, bạn không thể dùng bên trái được. Thế thì bạn vẫn có thể đứng nhưng bạn sẽ bị què, và dần dần bạn sẽ trở nên chết.


Di động và thường xuyên nhớ đến trung tâm bất động. Làm và thường xuyên nhớ tới người không làm. Nỗ lực và vẫn còn vô nỗ lực. Một khi bạn biết thuật bí mật về việc dùng cực đối lập, dùng mâu thuẫn, bạn được tự do; nếu không bạn chỉ tạo nên tù túng bên trong.


Có những người đến tôi và nói: Làm sao tôi có thể làm được việc này? Tôi chưa bao giờ làm việc này cả. Mới hôm nọ có ai đó nói với tôi: Làm sao tôi có thể thực hiện thiền tích cực được, bởi vì bao nhiêu năm qua tôi vẫn ngồi im lặng?


Người đó đã chọn lựa, và người đó chẳng đạt đến đâu cả; nếu không thì đã chẳng cần tới tôi. Nhưng người đó không thể thực hiện thiền tích cực vì người đó đã trở nên đồng nhất với tư thế bất hoạt. Điều này ngày một trở nên đông cứng.


Trở nên chuyển động hơn đi. Chuyển động và cho phép cuộc sống tuôn chảy. Một khi bạn biết rằng giữa các cực đối lập cân bằng có thể có, một khi bạn đã thoáng thấy nó, thế thì bạn biết được nghệ thuật giữ cân bằng. Thế thì ở bất kì đâu trong cuộc sống, trong mọi chiều hướng cuộc sống, bạn đều có thể đạt được cân bằng đó rất dễ dàng. Quả thực, nói rằng bạn có thể đạt tới là chưa tốt. Một khi bạn biết cái mẹo về nó, thì dù bạn làm bất kì cái gì, cân bằng vẫn theo sát bạn như cái bóng. Cân bằng bên trong này giữa các cực đối lập là điều có ý nghĩa nhất có thể xảy ra cho con người.


Đủ cho hôm nay.


Câu truyện này được trích trong sách:

Con Đường Mây Trắng

“Đâu là ý nghĩa của một đóa hồng hoặc một làn mây trôi trên thinh không? Không vương mang chút nghĩa lý nào, song chúng khoác một vẻ đẹp vô cùng choáng ngợp. Không trĩu nặng ý nghĩa gì cả. Sông trôi nào biết đến niềm vui; màng chi những điều ý nghĩa...

Có các định dạng:

Sách giấy, Ebook

Bình luận

Share Your ThoughtsBe the first to write a comment.

Email:

Theo dõi chúng tôi trên:

  • Facebook
  • Instagram
  • Youtube
  • Pinterest

Đăng ký nhận bản tin:

Nhấp vào đây để đăng ký
Các chính sách & điều khoản
Về chúng tôi
Đạo đức & tiêu chuẩn

Website: divaohiensinh.com @ 2024 | Được thiết kế bởi web1trang.vn

bottom of page